Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Có nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để ngừa virus Corona?

Tại buổi họp báo chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có giải đáp trước câu hỏi: "Có nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để ngừa virus Corana?".



Họp báo Bộ Y tế: Có nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để ngừa virus Corona? - 1
Bộ Y tế họp báo cung cấp thông tin về tình hình virus Corona.

Số ca mắc và số ca tử vong tăng rất nhanh
Chiều 5/2, Bộ Y tế họp báo cung cấp thông tin về tình hình virus Corona (nCoV).
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh do virus Corona bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay số ca mắc tăng rất nhanh, số tử vong cũng tăng hằng ngày.
Đến ngày 5/2, tổng số ca mắc virus Corona là 24.553 người, tập trung tại Trung Quốc và 27 quốc gia, có 493 ca tử vong, hơn 3.000 ca đang nguy kịch.
Tại Việt Nam, đã phát hiện 10 ca nhiễm, có 3 ca khỏi bệnh ra viện, tổng số ca nghi ngờ 409, trong đó 347 trường hợp đã loại trừ, còn 52 ca tiếp xúc gần, sốt đang được cách ly, có 349 người đang theo dõi.
Trước câu hỏi có nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để ngừa virus nCoV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Khẩu trang chỉ là một phần. Không cần đeo khẩu trang y tế để phòng virus Corona, vì chưa có bằng chứng khẩu trang bảo vệ với người không bị bệnh. Virus này nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, "sợ" cả gió, sợ môi trường thông thoáng khí, nên cần mở cửa sổ tạo thoáng khí. Ở ngoài điều kiện tự nhiên, miền Nam, Tây nguyên có nắng, khô ráo thì không nhất thiết phải dùng khẩu trang”.
Về phác đồ điều trị virus Corona, ông Long cho biết, một số chủng virus không có điều trị dự phòng và thuốc đặc hiệu. Do vậy, chỉ điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng cần bằng điện giải, ăn uống đầy đủ chất; Theo dõi hô hấp để có biện pháp can thiệp, mức nhẹ chỉ cần thở oxy, mức nặng sẽ cho thở máy..
“Khi tổng kết 10 ca nhiễm nCoV tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, duy chỉ có 1 ca người Trung Quốc có tiền sử bệnh phổi, nhưng cũng chỉ thở oxy không cần thở máy. Các ca bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới và không có gì cao siêu”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.
Trước câu hỏi có nên xây dựng bệnh viện dã chiến khi dự báo dịch nCoV có thể đạt đỉnh trong vòng 7-10 ngày tới, ông Long khẳng định: Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV TƯ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Theo đó, đến nay, đã chuẩn bị hơn 2.000 giường bệnh tại tuyến TƯ và 2.000 giường bệnh tại các địa phương, do vậy chưa cần xây dựng bệnh viện dã chiến vì lẽ đó. Chúng tôi tin các địa phương chuẩn bị phương án điều trị một cách phù hợp nhất và có kế hoạch dự phòng tiếp đón bệnh nhân.
Họp báo Bộ Y tế: Có nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế để ngừa virus Corona? - 2
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế phòng virus Corona.
Luôn chuẩn bị tình huống xấu nhất khi dịch lan rộng
Theo GS Nguyễn Thanh Long, khả năng lây lan của virus Corona rất nhanh. Virus này có 3 phương thức lây truyền chủ yếu: Lây truyền qua không khí - ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; Lây trực tiếp - khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; Và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.
"Khi ho, hắt hơi, virus này không lơ lửng trên không khí vì thế nguy cơ lây không khí thấp, chủ yếu lây qua tiếp xúc. Khi ra ngoài, tồn tại trên bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải... Thời gian tồn tại của virus khá lâu. Khi đó, sờ tay vào bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mắt mũi miệng là đường lây truyền đáng quan ngại. Đường thứ 4 là qua phân trong trường hợp chăm sóc người nhiễm thường không có, chưa có kiểm chứng về khoa học", GS Long nói.
Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện Trung ương lên phương án ứng phó nếu dịch lan rộng.
Cụ thể: Bộ Y tế dự trữ hàng ngàn giường bệnh. Hà Nội sẵn sàng gần 2.000 giường bệnh trong tình huống xấu nhất. Sử dụng bệnh viện sẵn có sao cho sắp xếp hợp lý, không xây bệnh viện dã chiến. Còn tại các địa phương đã chuẩn bị phương án điều trị phù hợp nhất. Chúng ta không quá hoang mang về việc này. Quan điểm từ đầu của Chính phủ, Bộ Y tế không che giấu bất kỳ thông tin gì. Hiện có 10 ca, khi có ca dương tính mới Bộ Y tế sẽ tiếp tục công bố ca đó cùng toàn bộ điều tra dịch tễ liên quan để cơ quan chức năng, cũng như cộng đồng có biện pháp phòng chống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Thực phẩm giúp bạn tỉnh táo vô cùng, lại không gây nghiện như cà phê

  Những thực phẩm sau đây vừa cung cấp cho bạn dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, lại vừa giúp bạn tỉnh táo mà không bị 'lệ thuộc' như...